Trong khi các trường hối hả triển khai công tác dạy và học qua mạng, các bậc phụ huynh cũng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để vừa đảm bảo việc học tập tại nhà cho con vừa duy trì cuộc sống theo nếp bình thường nhất có thể. Tuy nhiên, thời gian nghỉ học quá lâu kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Tất cả cùng căng thẳng
Những lời phàn nàn phổ biến nhất là chuyện trẻ dành quá nhiều thời gian lên mạng, không có ranh giới rõ ràng giữa việc học ở nhà và học ở lớp (mà bây giờ tất cả đều là bài tập về nhà). Một vấn đề đáng lo không kém nữa là tâm trạng đơn độc, buồn tẻ, thậm chí stress của trẻ khi không được gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với bạn.
“Nhiều trẻ cảm thấy tình trạng này thật khó chịu và chúng rất cô độc” – ông Stephen Dare, trưởng Học viện Hong Kong (một trường tư với 600 học sinh tuổi từ 3-18, đã phải đóng cửa từ tháng 2) – chia sẻ với trang tin Quartz. “Chúng nhớ những lúc được chơi với các nhóm bạn và có thể chia sẻ mọi điều với nhau” – ông nói thêm.
Các bậc phụ huynh dĩ nhiên cũng vô cùng căng thẳng. Người lo con mất thời gian học tập, rơi rớt kiến thức, người lo con không kịp chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng hoặc thậm chí những kỳ thi đó không thể diễn ra.
Các giáo viên thì phát đuối vì gần như ngay lập tức bị thử thách trước những yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi sang phương pháp dạy học trực tuyến. Không ít giáo viên phải chật vật chỉ dẫn kiến thức qua những phương tiện và giải pháp công nghệ mà chính bản thân họ còn gặp nhiều khó khăn để sử dụng.
Để con hiểu chúng không cô đơn
Sự kết nối xã hội là điều rất quan trọng với sự tồn tại của con người, và khi phải nghỉ học thì điều quan trọng này đã bị cắt đứt. Cha mẹ cần suy nghĩ sáng tạo trong việc giúp trẻ tìm ra thời gian cũng như không gian để kết nối với mọi người.
Chẳng hạn, Học viện Hong Kong đã tổ chức ngày tập thể thao trực tuyến cho các học viên, một mặt giúp các em có sự vận động thể chất, mặt khác vẫn duy trì cảm giác kết nối cộng đồng. Cha mẹ cũng có thể tạo điều kiện cho con trải nghiệm niềm vui nấu nướng và chia sẻ các công thức nấu ăn chúng biết với bạn bè.
Bà Ellen Mahoney – CEO tổ chức Sea Change Mentoring chuyên hỗ trợ các trường quốc tế những sáng kiến giáo dục – gợi ý những trang web hướng dẫn luyện tập thể chất trực tuyến như YogaGlo, Nerd Fitness, các video trên kênh YouTube của Yoga with Adriene hay hướng dẫn của chương trình Scientific 7-minute Workout.
Có thể nhiều em không hề biết vào lúc này đang có ít nhất hơn 363 triệu người đi học khác (trong đó hơn 300 triệu học sinh từ mầm non tới cấp III) cũng đang phải ở nhà “chán chết” như mình. Hãy nói với chúng đang có ít nhất 16 nước trên thế giới đóng cửa trường học toàn quốc để chúng không thấy chỉ có mình đang bị đơn độc, khổ sở.
Cũng theo bà Mahoney, cha mẹ cũng nên trò chuyện để con hiểu có những phản ứng cảm xúc bình thường trước một khủng hoảng như sợ hãi, hoang mang, tức giận, tội lỗi, xấu hổ, nhục nhã, đau khổ và thương xót. Trẻ có thể sẽ trải qua những cảm xúc này ở những lần khác và điều đó là bình thường.
Phụ huynh cũng cần nói với con rằng còn có những người khác lúc này, trong đó có các thầy cô giáo và chính bản thân cha mẹ, cũng có thể đang trải qua một số cảm giác này. Bà Mahoney cho rằng đây có thể là thời điểm tốt để cha mẹ dạy trẻ cách tự hiểu bản thân và có lòng trắc ẩn, cảm thông với người khác, một bài học hi vọng sẽ còn ở lại mãi với trẻ ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 này rốt cuộc cũng sẽ qua đi.
Thiết lập nề nếp mới ở nhà
Nhằm hỗ trợ giáo viên tại các trường học trên thế giới và các phụ huynh, bà Ellen Mahoney nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các nề nếp, thói quen. Giống như việc những đứa trẻ có một giờ đi ngủ nhất định sẽ ngủ nhiều và ngon hơn, từ đó sẽ khỏe mạnh hơn; khi trường học đóng cửa, việc thiết lập những nề nếp mới ở nhà càng trở nên quan trọng.
Theo đó, cha mẹ cần thiết lập cho con những kế hoạch cần làm trong nhà. Từ những chuyện đơn giản như mặc quần áo ngay ngắn như những ngày đi học (dĩ nhiên không cần phải mặc đồng phục) thay vì mặc đồ bộ, đồ ở nhà, cho tới các nề nếp sinh hoạt, học tập và vui chơi khác.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên giải thích để các con hiểu, nếu chúng phải học online quá lâu, chúng cần có lúc nghỉ để đi lại, ngắt kết nối và nói chuyện với bạn.1